Ngành cơ khí -

Ngành cơ khí - "xương sống" của nền kinh tế

Tuesday, 25/07/2023

Áp lực cạnh tranh gay gắt

Những năm qua, số lượng các DN cơ khí thành lập ngày càng tăng. Nếu như năm 2010, cả nước có khoảng 10 nghìn DN thì năm 2016, con số này đã tăng lên hơn 21 nghìn DN, chiếm 28% tổng số DN chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, có một thực tế là các DN cơ khí trong nước hầu hết đều đầu tư manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, trình độ công nghệ trung bình. Một số DN lớn cũng chỉ đầu tư quy mô lớn vào các dây chuyền lắp ráp là chủ yếu. Bên cạnh đó, mức độ liên kết và hợp tác giữa các DN chế tạo cơ khí kém, không phát huy được sức mạnh của phân công và hợp tác sản xuất nên hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, dây chuyền sản xuất thấp.

Ngoài ra, lực lượng nghiên cứu phát triển (R&D), tư vấn thiết kế chưa đạt trình độ đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ. Vốn cố định cho sản xuất cơ khí thường lớn, vòng vay vốn lưu động lại thấp, do đó DN cơ khí khó huy động được vốn, các dự án về cơ khí vì thế cũng kém hấp dẫn đối với các ngân hàng thương mại hơn so với các dự án thuộc lĩnh vực khác.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra có ảnh hưởng không nhỏ đến ngành cơ khí. Công nghệ mới đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức, phương thức sản xuất hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ đối với các DN cơ khí. Trong khi đó, nguyên phụ liệu cho ngành cơ khí chủ yếu là sắt thép, các loại hợp kim màu, các sản phẩm đúc, rèn hầu hết trong nước chưa sản xuất được nên phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài.

Nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Việt Nam là nước đang phát triển nên nhiều nhà máy, dây chuyền sản xuất được đầu tư bởi nguồn vốn của Nhà nước, các DN tư nhân, DN FDI. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng năm 2017, 2018 lần lượt là 91,2 tỷ USD, 101 tỷ USD. Theo thống kê, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đã đạt 13 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng và phụ tùng linh kiện ôtô, xe máy. Nếu tính cả sắt thép các loại thì kim ngạch xuất khẩu cơ khí đạt trên 16 tỷ USD/50 tỷ USD, mới chỉ đáp ứng được 32% so với mục tiêu đề ra phải đáp ứng được 45 - 50% nhu cầu sản xuất trong nước đặt ra từ năm 2010. Hơn nữa, các tập đoàn lớn đa quốc gia đang có xu hướng dịch chuyển từ sản xuất, chế tạo tại Trung Quốc sang các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, nên các DN cơ khí có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Về khả năng cạnh tranh, có thể thấy, ngành cơ khí đa dạng về sản phẩm nhưng cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh của DN trong nước chưa đủ mạnh. Ngay tại thị trường trong nước, các DN cơ khí cũng khó có thể tham gia được vào các dự án đầu tư trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng, dầu khí chủ yếu do quy mô đầu tư, trình độ công nghệ, khả năng liên kết, nguyên liệu đầu vào phụ thuộc nhập khẩu dẫn đến giá thành cao. Các DN, sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến. Hơn nữa, các cam kết tự do thương mại cũng tạo áp lực đối với DN trong nước khi hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước bị gỡ bỏ.

Xây dựng chính sách thuế, tín dụng phù hợp với ngành cơ khí

Từ thực tế trên, nhằm khuyến khích, thúc đẩy ngành chế tạo cơ khí trong nước phát triển, rất cần phải thực hiện một số giải pháp cấp thiết sau đây:

Trước hết, cần quy định rõ ràng và giám sát thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, tư nhân, FDI… nếu các phần việc chế tạo cơ khí trong nước có thể chế tạo, sản xuất được bắt buộc do các DN cơ khí trong nước thực hiện. Việc này phải được xem xét và phê duyệt ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư.

Nhà nước với vai trò điều tiết vĩ mô, khuyến khích, ưu tiên phát triển lĩnh vực nguyên liệu đầu vào như luyện kim, các sản phẩm đúc, rèn…

Xác định ngành cơ khí chế tạo là “xương sống” của nền kinh tế, Nhà nước xem xét thành lập cơ quan chủ quản ngang cấp tổng cục để quản lý, điều hành giám sát, hỗ trợ kịp thời với mục đích thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo tại Việt Nam.

Tổng hội cơ khí, Hiệp hội các DN cơ khí với vai trò trung gian, cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các DN cơ khí cần nâng cao, tham gia sâu với vai trò định hướng, hỗ trợ, khuyến khích các DN cơ khí.

Đối với việc quản lý lao động nhập cư tham gia trực tiếp vào ngành cơ khí chế tạo cần phải ban hành chính sách quản lý. Chỉ cho phép cấp quota cho các lao động có trình độ cao như là nhân sự cho nghiên cứu phát triển, tư vấn thiết kế chế tạo cho các dây chuyền thiết bị đồng bộ mà nhân lực trong nước chưa đáp ứng được về trình độ, kinh nghiệm.

Để đạt được mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến 2035 theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi xin đề xuất ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ như sau:

Xem xét giảm thuế thu nhập DN có lộ trình đến năm 2035 với mức thuế suất với các lô hàng, sản phẩm xuất khẩu đến năm 2025 là 0%, từ 2025 - 2030 là 5%, sau 2030 là 10%. Xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các DN cơ khí hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Xem xét miễn giảm tiền thuê đất có lộ trình đối với các cơ sở chế tạo: Miễn tiền thuê đất trong vòng 10 năm đầu tiên với các cơ sở thiết lập mới, giảm một phần tiền thuê đất đối với các cơ sở thiết lập mới sau 10 năm và các cơ sở chế tạo đã được thiết lập đang hoạt động.

Ban hành Nghị định quy định tất cả các hàng hóa, thiết bị vật tư mà các DN cơ khí trong nước sản xuất được phải sử dụng trong nước không cho phép nhập khẩu áp dụng với tất cả các nguồn vốn đầu tư (Nhà nước, tư nhân, FDI…). Việc này phải được bổ sung, quản lý, giám sát chặt chẽ ngay từ khi từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư cũng như bổ sung trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…

Về tín dụng, ngân hàng: xem xét các gói tín dụng ngân hàng với lãi suất thấp, ổn định áp dụng cho vay dài hạn để đầu tư các cơ sở vật chất và ngắn hạn sử dụng để vận hành sản xuất, chế tạo.

Xem xét thành lập cơ quan chủ quản ngang cấp tổng cục để quy hoạch, quản lý, điều hành giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại… kịp thời với mục đích thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo tại Việt Nam.

Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế; Ban hành quy định và giám sát chặt chẽ đối với lao động nhập cư trình độ cao tham gia lĩnh vực chế tạo cơ khí tại Việt Nam.

Viết bình luận: